LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Lễ hội đình làng Thịnh Quang
Ngày đăng 08/11/2020 | 13:04  | Lượt xem: 1237

Đình Thịnh Quang tọa lạc tại tổ 8, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 4km về phía Tây Nam.

Thịnh Quang vốn là một làng cổ bao gồm cả ấp Thái Hà và một phần làng Láng ngày nay. Theo các tư liệu hiện còn trong di tích, đình Thịnh Quang thờ Thành hoàng là bà Ngọc Thủy Tinh Công Chúa – vốn là vị Thiên thần, hiệu là Ngọc Thủy Tinh. Tại quận Đống Đa ngoài được thờ tại đình Thịnh Quang, Thần còn được thờ trong đình – đền Hào Nam, đình Hoàng Cầu. Ngài giáng xuống hạ thế tại chùa Hương Tích vào ngày 21 tháng 2 năm Quý Hợi, sau đó đi chu du thiên hạ, thăm thú các vùng danh lam thắng cảnh. Một lần qua Thăng Long, thần gặp vua Lê Thánh Tông cùng xướng họa làm thơ.Sau khi về trời, Lê Thánh Tông ban sắc phong thần, cho phép 32 đền được thờ cúng, trong đó có trại Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên được hưởng thờ cúng.

Tưởng nhớ công ơn của Thần, trước đây, dân làng Thịnh Quang tổ chức lễ hội trong ba ngày, từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 2 âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay số ngày tổ chức lễ hội đã được rút ngắn chỉ còn một ngày 21 tháng 2 âm lịch.

Từ đầu tháng 2, dân làng đã họp bàn để phân công nhiệm vụ cho các thành viên, lựa chọn người viết văn tế phải là người tài đức, có uy tín trong làng. Văn tế viết xong được ban tổ chức thông qua và đặt lên ban thờ Thành hoàng để đến ngày hội đem ra đọc.

Chiều ngày 20 tháng 2: Dân làng tổ chức làm lễ Mộc Dục thay xiêm áo cho Thánh Mẫu. Trong khi các bà vãi đến chùa tụng kinh, niệm phật thì ban quản trị đình làm lễ cáo yết Thành hoàng theo qui định. Trong đình các đồ tế khí được bao sái, kê lại để phục vụ lễ hội. Cờ thần, cờ lệnh được treo khắp phố như để báo hiệu không khí lễ hội đã tới gần. Đội múa lân, múa sư tử trình diễn đi vòng quanh làng, đến chùa Phúc Khánh và UBND phường Thịnh Quang trong tiếng cổ động, hò reo của người xem. Ban tổ chức mang lễ vật đến chùa Sở (chùa Phúc Khánh) để xin làm lễ chính vào ngày hôm sau (tức 21 tháng 2). Buổi tối tổ chức hát cửa đình với các tiết mục biểu diễn ca trù, quan họ, chầu văn được các câu lạc bộ trong Phường thực hiện cho tới tận đêm khuya.

Ngày 21 tháng 2: Từ sáng sớm, đội rước kiệu cùng đội tế, trống, chiêng, múa Sênh Tiền đã tập trung đông đủ trước sân đình để chuẩn bị cho đám rước kiệu từ điểm tập kết về đình.

Lễ vật dâng cúng: Theo lệ từ xưa, vào ngày chính hội, lễ vật dùng cỗ chay, bánh trôi, ngũ quả do ban tổ chức lễ hội chuẩn bị. Ngày nay, ngoài lễ chung, mỗi dòng họ trong làng và các gia đình đều có lễ giêng dâng lên Thánh Mẫu để tỏ lòng thành kính. Lễ vật nhiều ít tùy vào điều kiện của mỗi dòng họ, mỗi gia đình nhưng cái cốt là ở lòng thành kính của mỗi người.

Đúng 8h 30 sáng, khi sân đình đã đông kín người dự hội, đại diện ban tổ chức tuyên bố khai mạc lễ hội với sự có mặt của đại diện UBND quận Đống Đa, UBND phường Thịnh Quang, các ban ngành, đoàn thể cùng bà con nhân dân và du khách thập phương. Sau nghi thức khai mạc, đội tế nam làm nhiệm vụ. Trong trang phục truyền thống, 15 thành viên chỉnh tề đứng thành hai hàng trước án thờ. Trống, chiêng nổi lên, theo hiệu lệnh của vị chủ tế, các thành viên thực hiện nghi tuần tự trước sự kính cẩn, trang nghiêm. Ông chủ tế trịnh trọng đọc văn tế ca ngợi công lao to lớn của đức Thánh Mẫu đối với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời kính xin Người tiếp tục chở che, phù trì cho dân làng được cơm no, áo ấm, đất nước được thịnh vượng, thái bình.

Sau đội tế nam là đến lượt đội dâng hương nữ thực hiện các nghi lễ dâng lên Thánh Mẫu. Từ lúc này, bà con trong phường và khách thập phương dâng lên Thành hoàng những mâm lễ phẩm được trang trí đẹp mắt với đủ hương vị và ẩm thực vùng miền. Trong không gian thiêng liêng, huyền ảo, trước bài vị Thần hoàng, mọi người cầu xin những điều tốt đẹp, bình an cho gia đình, bản thân, cầu một năm với những sự hanh thông, thuận lợi trong công việc…

Mặc dù rất đông người dự lễ nhưng dưới sự hướng dẫn của Ban tổ chức, mọi người vẫn thành kính, trật tự, không chen lấn, xô đẩy gây phản cảm trong lễ hội. Những hoạt động như tiếp đón khách thập phương, ghi nhận công đức, phát lộc cầu may… đều được ban tổ chức lễ hội chuẩn bị chu đáo, nhiệt tình, công khai.

Buổi trưa, Ban tổ chức mời các đại biểu, bà con tham dự thụ lộc tại đình với ý nghĩa cầu mong sự may mắn trong cả một năm.

Cùng với các nghi thức tế lễ, các trò chơi như: cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, biểu diễn văn nghệ với không khí vui tươi, đầm ấm.

Sáng ngày 22 tháng 2: Ban tổ chức làm lễ tạ thần, kết thúc lễ hội.

Lễ hội đình Thịnh Quang là dịp để mỗi người dân được giao lưu văn hóa, trải nghiệm những nghi thức sinh hoạt tâm linh lành mạnh, bổ ích, góp phần bảo lưu, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, các thuần phong mỹ tục của quê hương nhằm làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân gian truyền thống của thủ đô Hà Nội. Đến với lễ hội, mỗi người như được trở về nguồn cội, thỏa mãn nhu cầu tâm linh để có thêm ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.