VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA THÀNH PHỐ
Ngày 3/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành công điện khẩn số 8 tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Hà Nội yêu cầu tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn.. theo đúng quy định. Các cấp, các ngành, địa phương khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế thực hiện chế độ "báo động đỏ", sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Tiếp tục bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế cả về tinh thần đề cao cảnh giác và luôn sẵn sàng đi đầu, ứng phó mọi tình huống dịch bệnh, nâng cao năng lực khám, điều trị, khả năng truy vết, xét nghiệm nhanh.
UBND Thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ ngay từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở bên trong; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Phố đi bộ Hồ Gươm tập trung rất đông người mỗi dịp cuối tuần
UBND các quận, huyện, thị xã, các sở ban ngành Thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" trong phòng, chống dịch bệnh, trước hết là việc đeo khẩu trang bắt buộc, sát khuẩn tay tại các khu vực cách ly, các khu dân cư tập trung, nơi công cộng như: chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, sân bay, ga tàu..., trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập.
Các cơ sở lưu trú, trường học, khám chữa bệnh thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, phòng, chống dịch, công khai kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo kiểm tra quyết liệt, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã đề ra, nhất là biện pháp như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, cơ sở vi phạm; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tăng cường kiểm tra các khu cách ly tập trung trên địa bàn và kiểm tra giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà.
Công an thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục kiểm soát, ngăn chặn triệt để kịp thời và xử lý ngiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép và các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch; bảo mật an ninh tại các cơ sở cách ly.
Mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và tại một số cơ sở cách ly dân sự đủ điều kiện do các địa phương quản lý.
UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trường hợp xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, cần thực hiện giãn cách xã hội đối với các khu vực có nguy cơ cao và được khoanh vùng hợp lý, không áp dụng giãn cách xã hội tràn lan ở phạm vi rộng ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về phòng, chống dịch, nhằm phổ cập tinh thần không chủ quan đối với dịch bệnh trong mọi tổ chức, cá nhân; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu, hướng dẫn, khuyến nghị của ngành y tế và nêu cao tinh thần tương thân tương ái trong phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân đề cao cảnh giác; ngăn chặn các thông tin tiêu cực, bịa đặt gây tâm lý hoang mang, lo sợ với dịch bệnh.