LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Đình Thịnh Quang
Publish date 06/11/2020 | 00:34  | View Count: 4762

Thịnh Quang vốn là một làng cổ bao gồm cả ấp Thái Hà và một phần làng Láng ngày nay. Theo các tư liệu hiện còn trong di tích, đình Thịnh Quang thờ Thành Hoàng là Ngọc Thủy Tinh Công Chúa – vốn là vị Thiên thần, hiệu là Ngọc Thủy Tinh.

Đình Thịnh Quang tọa lạc tại tổ 8, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Thịnh Quang vốn là một làng cổ bao gồm cả ấp Thái Hà và một phần làng Láng ngày nay. Theo các tư liệu hiện còn trong di tích, đình Thịnh Quang thờ Thành Hoàng là Ngọc Thủy Tinh Công Chúa – vốn là vị Thiên thần, hiệu là Ngọc Thủy Tinh. Tại quận Đống Đa, ngoài đình Thịnh Quang, Thần còn được thờ trong đình – đền Hào Nam, đình Hoàng Cầu. Ngài giáng xuống hạ thế tại chùa Hương Tích vào ngày 21 tháng 2 năm Quý Hợi, sau đó đi chu du thiên hạ, thăm thú các vùng danh lam thắng cảnh. Một lần qua Thăng Long, Thần gặp vua Lê Thánh Tông rồi cùng xướng họa làm thơ. Sau khi về trời, vua Lê Thánh Tông đã ban sắc phong thần, cho phép 32 làng được thờ cúng, trong đó có trại Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên.

Đình Thịnh Quang có niên đại khởi dựng từ rất sớm. Văn bia chùa Phúc Khánh (chùa Sở) cho biết: “Khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc Thành đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào năm 1789, đình và chùa Thịnh Quang là nơi trú chân của cánh quân phía Tây”. Như vậy, chắc chắn ngôi đình đã có từ trước thời điểm quân Tây Sơn ra Bắc Hà, để đến năm 1789, nghĩa quân đã sử dụng ngôi đình và chùa Thịnh Quang là nơi trú chân của binh lính.

Đình Thịnh Quang được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình bị xuống cấp, sau đó phá dỡ để xây dựng Khu tập thể Y cụ, Điện ảnh. Năm 1989, chính quyền và nhân dân Thịnh Quang đã trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Năm 2001, lại được trùng tu khang trang bằng vật liệu bền vững. Trong những năm gần đây, để tăng thêm diện tích sử dụng cho di tích, tòa Hậu Cung được tôn tạo cùng với các hạng mục kiến trúc phụ trợ.

Đình Thịnh Quang tọa lạc trên khu đất cao ráo, trong khu dân cư. Các hạng mục kiến trúc hiện nay của di tích bao gồm: Nghi Môn, sân, nhà che bia, Đại Bái và Hậu Cung.

Mở đầu cho kiến trúc là Nghi Môn xây dạng tứ trụ, đỉnh hai trụ chính đắp 4 chim phượng chụm đuôi vào nhau, đầu quay 4 hướng tạo thành chái giành cách điệu, phía dưới là các ô lồng đèn trang trí tứ linh, tứ quý. Phần thân trụ bổ khung ghi câu đối, đế trụ tạo thắt cổ bồng. Hai trụ bên trang trí nghê chầu hơi hướng chếch ra phía ngoài mang ý nghĩa kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương trước khi vào lễ Thánh. Nối giữa trụ chính và trụ bên là hai cổng xây chồng diêm hai tầng, mái lợp giả ngói ống. Hai bên cổng là bức tường lửng trang trí tùng, cúc, trúc, mai khá tinh tế và đẹp mắt.

Qua cổng là sân gạch, xung quanh sân đình trồng một số loại cây cảnh, cây lưu niên tạo cảnh quan cho di tích. Bên trái sân là nhà che bia. Tại đây lưu giữ những tấm bia hậu của đình. Đối diện nhà che bia là bảng vàng danh sách những người đã phát tâm công đức để hưng công, tu bổ di tích.

Đại Bái là nếp nhà gồm 1 gian 2 chái với 4 mái đao cong, mái lợp ngói ta, nền lát gạch. Bộ khung gồm 2 bộ vì kết cấu kiểu “Thượng ván mê, hạ quá giang” phỏng theo phong cách kiến trúc truyền thống, tạo sự thoáng, rộng cho những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Gian giữa bài trí chiếc Hương án cỡ lớn, trên Hương án đặt bộ Long ngai – Bài vị, Bát hương, Đỉnh trẩm, Mâm bồng, Chân đèn; hai bên đặt Hạc thờ, Bát bửu, Biển lệnh, Cờ, Lọng. Hai gian bên Đại Bái đặt bộ Kiệu Bát cống và Kiệu Long đình. Phía trên các gia đều treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối được chạm khắc chau chuốt những đề tài gắn với nội dung thờ cúng tại di tích.

Hậu Cung gồm 2 gian ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Kiến trúc này làm theo kiểu chồng diêm hai tầng, mái ngói ta, các bộ vì kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang trốn cột”. Phần trang trí được thể hiện trên vì nách, ván mê đề tài tứ linh, tứ quý, lá lật, vân mây…tạo sự mềm mại và thanh thoát cho kiến trúc. Trang trí trên kiến trúc đình Thịnh Quang giản dị, mang tính chất điểm xuyết tạo cho kiến trúc thêm phần mềm mại, hài hòa với bố cục tổng thể của công trình.

Trong Cung đặt bộ Khám thờ sơn son thếp vàng, chạm khắc tứ linh, tứ quý khá đẹp. Trong Khám đặt tượng Đức Thành Hoàng Ngọc Thủy Tinh Công Chúa cùng các tượng Tứ Phủ Thánh Cô, Đỉnh trầm, Hạc và nhiều đồ Tế khí có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Phía trên các treo Hoành phi, Câu đối, Cửa võng, được chạm lộng, chạm bong kênh, chạm thủng các đề tài long – ly – quy – phượng. Những con vật này mang biểu trưng của sự thanh cao và vận hành của trời đất theo chu kỳ xuân – hạ - thu – đông, đó là (Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàn), không lúc nào ngừng, không có bắt đầu và không có kết thúc, liên tục phát triển.

Nhìn chung, các di vật tại đình Thịnh Quang phong phú, đa dạng về chủng loại và chất liệu. Những di vật này chính là phần “hồn” của di tích, tạo cho ngôi đình trở nên linh thiêng và có ý nghĩa của một di tích lịch sử - văn hóa.

Đình Thịnh Quang còn là nơi gắn bó mật thiết với các di tích thuộc khu vực Đống Đa như: Chùa Phúc Khánh – Gò Đống Đa – chùa Bộc - chùa Đồng Quang – đình Khương Thượng, đình Nam Đồng, Thanh Miếu… trong trận Đống Đa lịch sử của nghĩa quân Tây Sơn vào mùa xuân tết Kỷ Dậu (1789). Với những giá trị của di tích, đình Thịnh Quang đã được xếp hạng là di tích cấp Thành phố năm 2009.